Wednesday, May 4, 2016

CÁCH NHẬN BIẾT RAU AN TOÀN, RAU HỮU CƠ VỚI CÁC LOẠI RAU THƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?


Rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ,... giống nhau hay khác nhau? Và các loại này thì khác rau thường ở điểm nào? Làm sao để phân biệt?



Rau an toàn hay còn gọi là rau sạch.
Rau an toàn ( rau sạch) là tên gọi tắt của các loại rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là những loại rau, củ, quả có chất lượng đúng như đặc tính giống của nó, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.
Rau được coi là rau an toàn khi các chất sau đây chứa trong rau không vượt quá tiêu chuẩn cho phép:
1. Dư lượng thuốc hoá học (thuốc sâu, thuốc cỏ).
2. Số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng.
3. Dư lượng đạm nitrat (NO3).
4. Dư lượng các kim loại nặng (chì, thủy ngân, asêníc, kẽm, đồng...). 
Dư lượng đạm nitrat và các kim loại nặng thường không gây hại tức thời mà được tích lũy nhiễm độc theo thời gian, là tác nhân chính dẫn đến bệnh ung thư.
Dư lượng thuốc hóa học thường hay gặp do việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bệnh không hợp lý, dư lượng vi sinh vật, ký sinh trùng trong rau có thể là do sử dụng phân người, phân gia súc tươi để bón cho rau.



Rau hữu cơ là gì?
Rau hữu cơ là loại rau canh tác trong điều kiện:
- Không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật
- Không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng
- Không sử dụng thuốc diệt cỏ
- Không sử dụng sản phẩm biến đổi gen
- Rau được trồng trong một hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, vùng đất và nguồn nước sử dụng trong quá trình canh tác phải có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp.

Cách nhận biết rau hữu cơ, rau an toàn với các loại rau thường khác:
Dấu hiệu 1: Màu
Đa phần các loại rau hữu cơ đều có màu xanh hơi vàng (xanh hữu cơ, xanh trung thực với bảng màu chuẩn đối với màu lá từng loại rau), nó không xanh đậm như các loại rau trồng bằng phân bón hóa học.
Rau có màu xanh đậm thường là màu xanh do dư đạm nitrat, không tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Dấu hiệu 2: Lá dày, ngắn, cân đối giữa các bộ phận
Một đặc điểm để phân biệt rau hữu cơ với các loại rau thường là độ dày của lá. Lá rau hữu cơ thường dày hơn, phiến lá ngắn và cân đối, dùng tay sờ vào có thể cảm nhận được độ cứng của lá, nhìn kỹ một chút sẽ thấy giữa các bộ phận phát triển rất cân đối, không có dấu hiệu thân cây mập.
Dấu hiệu 3Thân giòn, trọng lượng nặng, rắn chắc
Rau hữu cơ thường rất giòn, trong khi các loại rau trồng bằng phân bón hóa học hoặc thuốc kích thích tăng trưởng thường mềm, yểu, thân rau hữu cơ rắn chắc nhưng không bóng mượt.
Dấu hiệu 4: Lâu héo, rất dễ bảo quản
Cây rau hữu cơ lâu héo, không nhất thiết phải bỏ tủ lạnh, nếu để ở nhiệt độ phòng có thể giữ được vài ngày. Khi cây bị héo thì phun nước sơ sơ là có cây có thể hồi phục về trạng thái ban đầu. 
Còn rau sử dụng nhiều chất hóa học trong quá trình canh tác sẽ bị hỏng khi phun nước.
Dấu hiệu 5: Ăn rất giòn và ngon (giữ được hương vị tự nhiên)
Khi ăn, rau hữu cơ thường có vị ngon, giòn và thơm một cách tự nhiên mà không cần đến gia vị, ăn sống hoặc xào sơ với dầu ăn cũng rất ngon, càng ít sử dụng gia vị khi xào nấu thì ăn càng ngon.
Tuy nhiên rau hữu cơ thường xấu mã hơn rau thường.

Cách nhận biết cụ thể cho từng loại rau:
Rau cải thông thường
 Rau cải được bón nhiều phân đạm nitrat sẽ non mơn mởn, lá xanh ngắt, rất ít hoặc hầu như không có dấu vết của sâu bọ, phần thân chắc mập, đều tăm tắp một cách bất thường.
Vì vậy, đừng ham cái đẹp mã mà chọn phải rau nhiễm độc ạ!
Rau muống thông thường
Các loại rau muống được bón nhiều đạm hoặc trồng ở chỗ nhiễm nhiều kim loại nặng sẽ có thân rau to, rau giòn, lá màu xanh đen. Khi luộc rau, nước luộc khi nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen.
Những loại rau này khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát ngay sau khi ăn. Nhẹ thì nó sẽ làm cho người ăn có cảm giác rất khó chịu. Nặng thì sẽ dẫn đến đau bụng.

Rau cần thông thường
Rau cần thân to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo, nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen... là loại rau cần phun quá nhiều thuốc trừ sâu (nhóm lân hữu cơ) và phân bón qua lá. 
Mướp đắng
Khi mua, tốt nhất bạn nên tìm những quả mướp đắng nhỏ, dài, trên thân có nhiều sớ gân nhỏ li ti. Quả mướp đắng to, màu xanh đậm, mướt, thân phình nhưng sớ gân bóng loáng là những quả lạm dụng hóa chất làm tươi. Bên cạnh đó những quả mướp đắng phình to ra, nhìn trông rất bắt mắt nhưng khi cân lên thì trọng lượng trái hầu như nhẹ hơn những trái gầy tốp. Đó là do sử dụng chất kích thích tăng trưởng nhiều. Những loại trái này khi nấu không tạo ra vị đắng tự nhiên. Khi ăn cũng không có cảm giác đắng lâu trong miệng.
Giá đỗ: những cọng giá tròn lẳn, thân trắng nõn, ít rễ là giá được ngâm ủ qua một công nghệ "kinh dị": khi hạt đỗ nảy mầm, người ta dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ sâu, đem pha loãng tưới lên mầm giá rồi ủ kín, thuốc có tác dụng thúc giá đỗ nảy mầm nhanh và phát triển hơn bình thường. Loại giá này khi xào sẽ có nước đục, ăn không ngon và dễ gây độc hại
Các loại quả đậu (Đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà Lan, đậu ván...)
Khi nhìn quả bóng nhẫy, ít lông tơ là do người trồng đậu đã bón nhiều đạm hoặc phun quá nhiều phân bón lá.
Nếu quả đậu không có vết sâu bệnh là do người trồng đã phun quá nhiều thuốc trừ sâu bệnh và không đảm bảo thời gian cách ly.

Người tiêu dùng nên tìm hiểu kĩ, phân biệt rõ các loại rau củ quả trước khi mua để tránh mua phải các loại rau củ quả bẩn, nhiễm độc, gây hại cho sức khỏe.

No comments:

Post a Comment